Tin mới

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

HIẾN PHÁP (SỬA ĐỔI) NĂM 2013 THỂ HIỆN BẢN CHẤT CỦA NHÀ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM LÀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN



Khi nói đến nhà nước là nói đến tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp thống trị về kinh tế và tổ chức nhằm bảo vệ và giữ vững chế độ đó. Trong lịch sử, nhà nước xuất hiện khi xã hội bắt đầu có giai cấp và đấu tranh giai cấp. Nhà nước làm chức năng bên trong và chức năng bên ngoài mà ta vẫn gọi là chức năng đối nội và chức năng đối ngoại. Trong hai chức năng của nhà nước, thì chức năng bên trong vẫn là chức năng chính. Nếu không xác định rõ vấn đề này sẽ dẫn đến tình trạng chỉ lo bên ngoài mà bỏ bễ công việc của bên trong hoặc quá tập trung vào bên trong mà chểnh mảng với việc đối phó với bên ngoài. 

Với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 2 của Hiến pháp (năm 2013) ghi:

“Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”1.

“Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)” của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”2. Tính chất Nhà nước của nhân dân và do nhân dân làm chủ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu từ năm 1945, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) được thành lập. Năm 1949, Người khẳng định nước ta là nước dân chủ; bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiều quyền hạn đều ở dân; công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân; chính quyền các cấp đều do dân cử ra; các đoàn thể3 đều do dân tổ chức nên; mọi cái trong đời sống xã hội đều hội tụ ở nơi dân. “Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”4. Đúng là sức dân như sức nước, lực lượng nhân dân như thế chẻ tre. Nhân dân là người làm nên lịch sử và có vai trò quyết định vận mệnh lịch sử của dân tộc mình.

Như vậy, trong thời kỳ đổi mới, chủ trương của Đảng và Nhà nước là xây dựng Nhà nước pháp quyềnxã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vấn đề này hiển nhiên trở thành bản chất của Nhà nước ta. Khi nói đến Nhà nước pháp quyền ứng dụng vào hoàn cảnh nước ta là nói đến hệ thống chính trị - xã hội, đến hệ thống luật pháp tiêu biểu cho quyền lực của một nhà nước, cho bản chất của chế độ. 

Nhìn về lịch sử xây dựng Nhà nước pháp xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thấy rằng, khái niệm “xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”6 xuất hiện lần đầu trong Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII họp vào tháng 1-1994. Hội nghị Trung ương 8, khóa VII (tháng 1-1995) tiếp tục đặt vấn đề “xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức xã hội chủ nghĩa”7. Văn kiện Đại hội VIII (1996) của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời, coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức xã hội chủ nghĩa”8. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa XIII (tháng 6-1997) về tiếp tục xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, có một nhận định quan trọng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới là Đảng đã “từng bước phát triển hệ thống quan điểm, nguyên tắc cơ bản về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân”9. Đại hội IX (năm 2001) đặt vấn đề tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng”10. Xác định việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là cả một quá trình, từng bước hoàn thiện, nên Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa IX (tháng 1-2004) của Đảng khẳng định: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”11. Đại hội X của Đảng (năm 2006) đặt vấn đề “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”12. Đại hội XI của Đảng (năm 2011), một lần nữa, tiếp tục khẳng định việc “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”13.

Đó là một hệ thống phương hướng của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đây là cơ sở quan trọng về vấn đề Nhà nước đã được nêu trong Hiến pháp (năm 2013). Có thể nói đây là một vấn đề rất mới ở Việt Nam, bước rẽ ngoặt đổi mới tư duy xây dựng nhà nước kiểu mới, vì trước đó, trong tư duy, một số người vẫn quan niệm rằng, nhà nước pháp quyền là thuộc tính của nhà nước tư sản, còn nhà nước xã hội chủ nghĩa phải là “chuyên chính vô sản”. Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là sự thừa nhận và khẳng định nhà nước pháp quyền là tất yếu lịch sử. Nó không chỉ là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản, mà là tinh hoa, trí tuệ của xã hội loài người, của nền văn minh nhân loại.

Điểm xuất phát để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được thể hiện trong Hiến pháp (năm 2013) là nhằm xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa với mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, dân tộc gắn với giai cấp. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người đều có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; xây dựng một xã hội mà trong đó được xử lý bằng mối quan hệ giữa dân chủ toàn xã hội và luật pháp của Nhà nước. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vừa có giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền nói chung, vừa phải thể hiện được những đặc trưng, bản chất, bản sắc của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Cơ sở kinh tế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ sở chính trị của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cơ sở xã hội của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy liên minh công - nông - trí làm nền tảng và nhân dân lao động làm chủ. Cơ sở pháp lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hiến pháp, luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong Hiến pháp (năm 2013) thể hiện ở những mặt sau đây:

Một là: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xây dựng trên cơ sở lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh chính trị của Đảng và thực tiễn của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đối nội và đối ngoại trong thời kỳ mới.

Hai là: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng Nhà nước, liên minh chặt chẽ với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và sự phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên trong Mặt trận, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”14. “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”15. Hoàn thiện hệ thống luật pháp, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong các văn bản luật và chính sách của Nhà nước. Xây dựng hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động của các cơ quan công quyền; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, đặc quyền, đặc lợi, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; chống quan liêu, tham những và các biểu hiện tiêu cực khác nảy sinh trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ba là: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thể hiện bộ mặt tinh thần và đạo đức xã hội, tính thực thi của pháp luật, sinh hoạt xã hội lành mạnh và quyền làm chủ của công dân; từng bước đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối của Đảng thành luật pháp và các văn bản pháp quy trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Bốn là: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đào tạo những công dân tích cực, nguồn nhân lực và những nhân tài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, nâng cao trách nhiệm pháp lý giữa chính quyền nhà nước và công dân.

Năm là: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết.

Sáu là: Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bảo đảm để Nhà nước hoạt động đúng hướng và có hiệu quả.

Hiến pháp mới mở ra hướng đi mới cho Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

*****
Chú thích:

* Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực - ISSTH. 
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin đối ngoại số 120 tháng 3/2014.
1 “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014.Khái niệm “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” là do Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln nói ra lần đầu tiên trong bài diễn văn nổi tiếng của Ông đọc tại Gettysburg, Mỹ, vào năm 1863. Với quan điểm này, A.Lincoln chủ trương thành lập một chính phủ “của dân, do dân, vì dân”. Chủ trương này không thực hiện được. Việt Nam tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, đã áp dụng khái niệm này để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân (Đ.V).
2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 72.
3 Đoàn thể ở đây bao gồm cả Đảng (Đ.V).
4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.698.
5 Khái niệm “nhà nước pháp quyền” do các chuyên gia hiến pháp và luật pháp người Đức và người Áo nêu ra lần đầu tiên vào đầu thế kỷ XIX. Từ đấy, thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” được áp dụng tại nhiều nước theo một tiêu chí như một chế độ nhà nước và nó có thể so sánh với quá trình phát triển khái niệm “nhân quyền” (Đ.V).
6 Xem “Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII”, Hà Nội, tháng 1-1994, tr. 13.
7 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 129.
8 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 129.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 36.
10 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 131. 
11 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 79.
12 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 126.
13 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 25.
14 “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, đã dẫn (Điều 2).
15 “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, đã dẫn (Điều 3).

Share this:

Đăng nhận xét

 
Về trang đầu
(C) 2006 - 2016 DIỄN ĐÀN NGHỆ THUẬT VIỆT NAM

Diễn đàn Chủ Doanh nghiệp| Lãnh đạo Việt Nam| Nhân tài Việt Nam| Nghệ thuật | Người kể chuyện| Việt Nam Speakers
Nghệ sĩ Việt Nam. Designed by OddThemes
lăng mộ đá toyota thanh hóa