Tin mới

Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2017

Kiến trúc Phật giáo là nét son trong văn hóa phương Đông

Trong các loại hình nghệ thuật Phật giáo, nghệ thuật kiến trúc là phong phú nhất, chúng bao gồm rất nhiều hình thức, và mỗi hình thức cũng có nhiều cách thể hiện khác nhau.

Tháp Phật cổ
Khi Đức Phật còn tại thế, tương truyền đã có tinh xá Kỳ Viên thiết trí đầy đủ bản điện, liêu xá, nhà kho, nhà khách, nhà bếp, nhà kinh hành, nhà tắm, tiền đường, ao sen, nhà dưỡng bệnh. Nhưng những kiến trúc đương thời còn lại về sau chủ yếu có Tháp (Stùpa), Tháp viện (Caitya-gr﨡), Tăng viện (Vihàra), Tháp nhọn (S٩khara). Thông thường các hình thức này cấu thành một ngôi già lam, vật liệu chủ yếu là gạch, đá.

Các hình thái kiến trúc Phật giáo nói chung có các loại đặc trưng như Tháp, động đá, Tăng viện, ngọc viên, cửa, thạch trụ, tràng, mạn-đồ-la. Chúng ta tuần tự khảo sát các hình thức này.

1. Tháp


 Tháp là nơi thờ xá-lợi Phật nên có ý nghĩa tôn giáo rất lớn. Tháp có nhiều kiểu dáng : Hình tròn tự nhiên, kiểu bát úp hình bán cầu (bắt đầu vào thời vua A-dục), hình vuông. Kiểu bát úp là phổ biến nhất, như đại tháp ở Sanchi, ở chính giữa cất giữ bình đựng xá-lợi, bốn phía có lan can, cửa tháp mở. Đặc điểm của loại tháp này là đường kính của mặt bằng lớn hơn chiều cao của tháp, về sau dần dần tăng cao. Khi truyền sang Trung Quốc, tháp thường có 3 tầng, 5 tầng hay nhiều tầng, được làm bằng gỗ, bằng đá.

2. Động đá

Động đá được kiến tạo xưa nhất là động Bhaja, động Komdane ở Ấn Độ. Ở Trung Quốc có động Vân Cương ở Đại Đồng là kỳ vĩ nhất, được tạo từ thời Bắc Ngụy, thời Tùy. Ngoài ra còn có các động Long Môn ở Lạc Dương tỉnh Hà Nam, các động ở núi Thê Hà, Nam Kinh, núi Thiên Long ở Thái Nguyên, Sơn Tây … Bên trong động đá bảo tồn rất nhiều tôn tượng điêu khắc và hội họa.

3. Tăng viện

Tăng viện (Vihàra) thường có 4 hình thức : Tăng viện đơn độc, tăng viện một tầng, nhiều tầng và bình địa. Trong động đá cũng có các tăng viện được bảo tồn, tương đối thường thấy có tăng viện hình vuông do ba mặt hợp thành, không gian rộng rãi rất giống với tăng phường ba mặt của Trung Quốc, Nhật Bản. Tăng phường bốn mặt phối hợp với Trung đình ngay ngắn bao quanh. Hình chế này là từ Kiền-đà-la dần dần phổ cập đến Trung Ấn Độ. Tăng viện ở Ấn Độ lúc đầu được làm bằng gỗ, sau được thay thế bằng đá. Trong Tăng viện còn có các kiến trúc cần thiết cho sinh hoạt đại chúng như Từ đường, Giảng đường. Ở Trung Quốc phần nhiều lấy 7 ngôi đường tháp làm 1 đơn vị, gọi là Thất đường già lam; Nhật Bản về sau cũng theo hình chế này. Về kiểu dáng, tên gọi cũng như công dụng của mỗi điện đường không theo một quy tắc nhất định, nói chung cực kỳ phong phú và đẹp đẽ.

4. Ngọc viên

Ngọc viên là bức tường đá bao bọc chung quanh các kiến trúc già lam, tháp, tăng phòng. Trên ngọc viên thường có phù điêu tạc hình sư tử, voi, trâu, ngựa và pháp luân, cội Bồ-đề, Bản sanh đàm. Nhật Bản rất thịnh hành kiến trúc ngọc viên này. Một số chùa viện ở cố đô Huế, Việt Nam thường có kiểu thức này.

5. Thạch trụ

Trụ đá được hình thành từ thời vua A-dục ở Ấn Độ. Vua A-dục (Asoka) có khắc chiếu thư sắc dựng trụ đá trong khắp quốc gia. Đầu trụ hình cái chuông, phía trên có tượng voi, sư tử, luân bảo v.v…

6. Tràng

Tràng (Dhvaja) có nghĩa là cờ hoặc tiêu chí. Ở Ấn Độ, kiểu dáng tràng có ba loại khác nhau:

Hình dáng giống như lá cờ hiện nay.
Hai bên lọng tháp đều có dựng một cây gậy tre nghiêng.
Hai bên trước tháp đều có một tảng đá (như bức bình phong ở Trung Quốc).

7. Mạn-đồ-la

Mạn-đồ-la là một cái đàn hình tròn, hình vuông, hình hoa sen hay tam giác, thường được làm bằng vàng, bạc … dùng để phối trí hình tượng, chủng tử, ấn, chân ngôn của chư tôn trong Mật giáo.


Nói chung, kiến trúc Phật giáo của các nước thường tùy theo nhân văn và địa lý ở mỗi vùng mà có điểm đặc sắc riêng. Các kiến trúc ở Tích Lan phần lớn giống ở Ấn Độ; còn Miến Điện, Thái Lan, Campuchia thì có xen tạp kiến trúc bằng gỗ. Bà-la phù đồ (Boro - Budur) ở Java (Indonesia) là một kiến trúc bằng đá đại quy mô biểu hiện cho Mạn-đồ-la 9 tầng của Mật giáo. Các đại tự viện ở Tây Tạng thì phần nhiều được xây cất trên những gò đất nghiêng dưới chân núi, phối hợp với nhiều loại kiến trúc liên tiếp tại một chỗ, tạo thành một cảnh quan đường phố như phong cách châu Âu. Kiến trúc Phật giáo Trung Quốc phần nhiều mô phỏng theo hoàng cung, lấy sự đối xứng để phối hợp tả hữu, sơn môn và điện Thiên vương, điện Đại hùng, Pháp đường, Phương trượng đều xếp thẳng hàng. Hai bên trái và phải theo thứ lớp thiết trí lầu chuông trống, điện già lam và điện Tổ sư, khách đường và Vân thủy đường …

Kiến trúc của Phật giáo Trung Quốc có thể nói đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật nhờ sự bảo trợ của triều đình. Các nước Phật giáo theo hệ Bắc truyền phần nhiều ảnh hưởng phong cách này, nhưng màu sắc và vật liệu thì tùy không gian và thời gian mà có thay đổi. Nhật Bản thì nhẹ nhàng đơn giản, Việt Nam thì ấp ủ hài hòa. Nói chung, kiến trúc Phật giáo là nét son trong văn hóa nghệ thuật phương Đông.

Theo Thích Nguyên Hiền

Share this:

Đăng nhận xét

 
Về trang đầu
(C) 2006 - 2016 DIỄN ĐÀN NGHỆ THUẬT VIỆT NAM

Diễn đàn Chủ Doanh nghiệp| Lãnh đạo Việt Nam| Nhân tài Việt Nam| Nghệ thuật | Người kể chuyện| Việt Nam Speakers
Nghệ sĩ Việt Nam. Designed by OddThemes
lăng mộ đá toyota thanh hóa