Tin mới

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2019

Đánh giá phim Hai Phượng - "Đứa con" 200 tỷ của Ngô Thanh Vân

Bộ phim “Hai Phượng” được nhiều khán giả nhận xét là có tố chất của phim hành động Hollywood: kịch bản đơn giản, tình tiết trực diện, các pha giao chiến mãn nhãn. Tuy nhiên, điểm trừ của bộ phim là việc tuyến nhân vật về cơ bản được chia ra hai phe thiện – ác rõ nét, khá đơn sắc và không có nhiều đột phá.

Kết quả hình ảnh cho đánh giá phim hai phượng

Hai Phượng – bộ phim mới nhất do đả nữ Ngô Thanh Vân đóng chính và tham gia sản xuất đã chính thức ra mắt khán giả Việt vào ngày 22/2. Phim là cuộc hành trình của người mẹ tên Hai Phượng đi tìm cô con gái Mai bị bắt cóc.

Xét ở góc độ thể loại, phim hoàn thành khá tốt nhiệm vụ của một bộ phim hành động/phiêu lưu/giật gân với cốt truyện không quá khó đoán, những sự kiện diễn ra dồn dập, những cảnh đánh đấm liều cao cùng thông điệp đơn giản mà ấn tượng. Ra khỏi rạp, đa số người xem hẳn sẽ ấn tượng với phần hình thức của bộ phim nhiều hơn phần nội dung.

Cảnh quay, góc quay và màu phim độc đáo

Một đặc trưng tạo nên khác biệt lớn giữa phim chiếu rạp với phim truyền hình chính là cảnh quay, góc quay. Về mặt này, “Hai Phượng” tạo được hiệu ứng thị giác rất tốt bằng những bối cảnh độc đáo như trụ sở cảnh sát, con hẻm nhỏ, cầu thang, v.v... Ở nhiều đoạn, góc quay thay đổi liên tục từ góc ngang khai thác độ sâu hun hút của cảnh cho đến góc máy trên cao.

Vốn khá “mát tay” với thể loại kinh dị, bằng chứng là bộ phim Ngôi nhà trong hẻm từng là hiện tượng phòng vé một thời nên cũng không ngạc nhiên khi đạo diễn Lê Văn Kiệt đem đến cho bộ phim chút không khí quái đản, rùng rợn, thể hiện ở màu phim tím đỏ ma mị và các phân cảnh mặt người xuất hiện đột ngột. Cũng chính điều này góp phần tạo nên điểm nhấn riêng cho bộ phim giữa một rừng phim lựa chọn màu sắc chủ đạo tươi sáng, bắt mắt của điện ảnh Việt Nam hiện tại.

Các phân đoạn hành động đã mắt

Ngô Thanh Vân một lần nữa khẳng định danh xưng “đả nữ” số một màn ảnh Việt thông qua Hai Phượng. Trước đó ekip làm phim đã chia sẻ rằng trong mỗi phân cảnh giao chiến, ekip muốn đưa vào một động tác võ thuật riêng.

Toàn bộ phim có 7 phân cảnh như vậy; trong đó ấn tượng nhất là cảnh đánh nhau trên tàu giữa Hai Phượng và nữ trùm Thanh Sói, tập trung vào pha ra đòn liên hoàn “kết liễu” nữ trùm. Dù đã 39 tuổi, thể lực không được như khi đóng “Dòng máu anh hùng” nữa nhưng Ngô Thanh Vân đã thể hiện rất tốt.

7 phân cảnh được dàn đều từ đầu đến cuối bộ phim tạo nên sự hồi hộp đến nghẹt thở cho khán giả. Dĩ nhiên xen giữa vẫn có các phân đoạn làm giảm nhịp độ căng thẳng của bộ phim, trong đó đáng kể nhất là đoạn có sự xuất hiện của y tá tên Trang – đây gần như là nhân vật duy nhất trong bộ phim đem đến tiếng cười thư giãn.

Xây dựng nhân vật thú vị nhưng chưa sâu sắc

Với nữ chính Hai Phượng, Ngô Thanh Vân từng ngỏ ý muốn đem đến hình tượng phụ nữ Việt Nam hiện đại, mạnh mẽ và dũng cảm. Rõ ràng chị khá thành công vì Hai Phượng đã tiến rất gần đến hình mẫu một nữ anh hùng của phim hành động Hollywood, bắt kịp xu hướng nữ quyền đang rất thịnh hành trong nền điện ảnh thế giới.

Điều hấp dẫn hơn nữa là nữ anh hùng này không hề hoàn hảo, trái lại còn có nhiều góc khuất tâm hồn: xuất thân từ một gia đình gia giáo nhưng Hai Phượng vì tình yêu mà sa chân vào con đường giang hồ, làm nhiều điều sai trái.

Ngô Thanh Vân lột tả xuất sắc những dằn vặt nội tâm của nhân vật, bộc bạch sự hối hận khôn nguôi đồng thời khẳng định niềm hạnh phúc chẳng gì sánh nổi khi sinh ra đứa con gái.

Cô bé Mai cũng là một nhân vật thú vị không kém: Tuy nhỏ nhưng em chẳng khác gì một “Hai Phượng con”, em cũng thẳng thắn, lì lợm, dũng cảm hệt như mẹ.

Một nhân vật nữa đáng chú ý là Chánh Trực do nam ca sĩ Phạm Anh Khoa thủ vai: hắn là kẻ đã rút chân khỏi giới giang hồ để làm ăn chân chính. Dù xuất hiện ít nhưng vẻ ngoài bặm trợn của Trực và cách hắn bảo vệ người mẹ già yếu hẳn đã đọng lại chút gì trong lòng khán giả.

Ngược lại, vai nữ phản diện Thanh Sói lại chưa có nhiều đất diễn, thoại ít. Vai cảnh sát Lương có chút mâu thuẫn, khi thì muốn giữ chân Hai Phượng để đảm bảo sự an toàn, lúc lại “vẽ đường” cho Hai Phượng đi tìm bọn bắt cóc.

Lực lượng cảnh sát đóng vai trò khá nhạt nhòa khiến người xem có cảm giác sức mạnh của nữ chính đang được “tâng bốc” quá đà. Tuyến nhân vật về cơ bản được chia ra hai phe thiện – ác rõ nét, khá đơn sắc và không có nhiều đột phá.

Khéo léo đan cài văn hóa Việt Nam

Xuyên suốt bộ phim, Hai Phượng mặc độc chiếc áo bà ba tím và quần vải đen – trang phục quen thuộc của phụ nữ miền Tây Nam Bộ. Ở đầu phim chị còn đội nón lá. Những bối cảnh đặc trưng như chợ nổi Cần Thơ, đường phố Sài Gòn được tận dụng khá tốt. Các chi tiết sinh hoạt rất Việt như việc đi xe máy, dựng rạp tổ chức đám cưới, uống nước chè... đều góp phần khắc họa một phông nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc.

Điều này khá là quan trọng vì “Hai Phượng” sẽ chính thức được công chiếu tại Mỹ vào ngày 1-3 tới và đã được Netflix mua bản quyền. Sẽ rất tự hào nếu bộ phim gây được tiếng vang và văn hóa Việt Nam được thế giới quan tâm, tìm hiểu nhiều hơn.

Nhìn vào các tác phẩm trước đó có sự tham gia sản xuất của Ngô Thanh Vân như Cô ba Sài Gòn hay Song Lang, dễ thấy nữ diễn viên đa tài đang rất tập trung vào việc khai thác và quảng bá những nét đẹp văn hóa dân tộc.

Tạm kết

Nếu bạn tìm kiếm một bộ phim với các tình huống bẻ ngoặt cốt truyện một cách bất ngờ hay các chi tiết diễn tả nội tâm đa chiều thì Hai Phượng có thể chưa phải lựa chọn tốt. Nhưng bộ phim vẫn xứng đáng là một tác phẩm hành động hay, đẹp, mãn nhãn, xứng đáng để bạn đến rạp. Riêng ở khâu dựng phim, chắc chắn Hai Phượng đánh dấu một bước tiến mới đáng ghi nhận, góp phần nâng cao mặt bằng kỹ thuật, kỹ xảo cho nền điện ảnh nước nhà.

Theo Thảo Nguyên / Nguoiduatin

Share this:

Đăng nhận xét

 
Về trang đầu
(C) 2006 - 2016 DIỄN ĐÀN NGHỆ THUẬT VIỆT NAM

Diễn đàn Chủ Doanh nghiệp| Lãnh đạo Việt Nam| Nhân tài Việt Nam| Nghệ thuật | Người kể chuyện| Việt Nam Speakers
Nghệ sĩ Việt Nam. Designed by OddThemes
lăng mộ đá toyota thanh hóa